Nhà có 3 chị em gái

flowers, tulips, flower buds-7954339.jpg

Nếu bạn tình cơ xem phim hoặc đọc sách báo, hay đơn giản là đam mê 1 chút về lịch sử Trung Quốc thời kỳ cận đại chắc hẳn bạn sẽ biết về 3 chị em nhà họ Tống. Còn nếu bạn chưa biết ư? Đây là lúc thích hợp để tôi giới thiệu cho bạn.

Ba chị em nhà họ Tống là ba người phụ nữ có chồng là những người đàn ông có tầm ảnh hưởng nổi bật đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc. Chị cả là Tống Ái Linh, chị hai là Tống Khánh Linh còn chị ba là Tống Mỹ Linh. Bà Ái Linh kết hôn với người giàu nhất Trung Quốc lúc bấy giờ và là hậu duệ của Khổng Tử: Khổng Tường Hi. Sau này ông còn đảm nhận chức vụ là Bộ Trưởng Bộ Tài chính. Bà Tống Khánh Linh kết hôn với nhà Cách mạng Tôn Trung Sơn, người đặt nền móng cho Cách mạng Tân Hợi, lật đổ nhà Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân quốc. Còn bà Ái Linh trở thành vợ  của Tổng thống Trung hoa Dân quốc (Đài Loan bây giờ): Tưởng Giới Thạch.

Đây không phải là 1 bài viết về gia phả gia đình họ Tống hay phân tích nhân tướng “vượng phu” của ba bà, mặc dù thỉnh thoảng đọc nó đối với tôi khá lý thú. Bài viết này tôi đơn giản là muốn dựa trên 3 chị em nhà họ Tống để nói về nhà có 3 chị em gái. Và rằng thời bây giờ, nhà có con gái không cần phải dựa vào tấm chồng để trở nên tài giỏi. Không hiểu sao, bằng cách ngẫu nhiên nào đó, xung quanh tôi có rất nhiều gia đình như vậy. Ví dụ như Khánh Vy, nhà em ấy cũng có 3 chị em gái và cả 3 đều giỏi giang. Trên tất thảy, tôi đều thấy nể phục họ. Bao gồm cả gia đình tôi.

Ba người con gái. Mỗi người mỗi vẻ

Nhà tôi có 4 chị em. Tôi là đứa thứ 3. Tôi có 1 chị gái lớn, 1 chị sinh đôi và 1 đứa em trai.

Chị hai tôi cách tôi những mười một năm. Lúc chị vào đầu cấp 3 thì tôi mới lon ton bước vào lớp 1. Hồi nhỏ, khi chúng tôi tìm được những chiếc bút chì màu của chị và dùng nó trang trí lên tường, chị là người phải hì hục chùi vì sợ ba la. Đến khi chúng tôi vào lớp 1, chị là người bọc tập vở và viết nhãn cho chúng tôi. Lên cấp 2, tôi mới phải học cách rửa chén, dọn nhà, … tất cả là nhờ có chị làm giúp.

Những năm tháng chị học đại học xa nhà, tôi đều ngóng trông chị về cuối tuần để được ăn bim bim và chơi trò chơi điện tử trong máy tính của chị. Lúc đấy nhà tôi không khá giả và tôi không hề biết chị phải tiết kiệm nhiều như nào trong những năm tháng ấy, chỉ để mua được mấy gói bim bim cho mấy đứa em.
Chị tôi học hẳn 2 bằng đại học vì không kiếm được việc làm. Khi ra trường chị cũng không làm đúng chuyên ngành và phải giành 1 khoảng thời gian làm việc không lương để có kinh nghiệm. Là con cả, không có anh chị đi trước để truyền kinh nghiệm, nhưng chị vẫn tìm ra được hướng đi của mình trong cuộc đời, điều đó tôi nể phục vô cùng. Rồi chị lấy chồng và sinh con. Là 1 người mẹ, người vợ như bao người khác, chị vẫn dành thời gian chăm chút cho sở thích cá nhân của mình: làm bánh. Chị có thể dành hàng giờ trong bếp để xem video, trộn bột, chỉnh lò nướng. Mỗi lần được ăn bánh của chị là cả nhà lại vui đến lạ. Cảm giác như bánh ngon không chỉ nhờ công thức mà còn nhờ cả tình cảm, tâm huyết mà chị dồn vào khi làm. Như bao người phụ nữ khác, chị cũng không thể chu toàn được hết giữa việc đi làm và chăm con. Nhưng ở chị, tôi học được cách tận hưởng cuộc sống mỗi ngày. Đến cuối tuần, đắm chìm vào mùi bơ, bột và sữa, làm những điều khiến bản thân vui vẻ.

Chị sinh đôi của tôi chỉ cách tôi chưa đầy 5 phút sinh mổ. Khi còn bé, tôi và chị chính là luôn luôn có nhau. Học chung lớp, ở chung phòng, đi chung con đường đến trường. Mẹ còn cho chúng tôi mặc những bộ đồ giống nhau. Mẹ kể rằng hồi bé, chị sinh đôi luôn là người nhường tôi. Ba mua cho chiếc xe đạp mới, tôi giành lấy trước. Có đồ chơi mới, tôi luôn là người được chơi trước. Hai đứa có giận dỗi thế nào thì cũng sau nửa tiếng là làm hòa. Chúng tôi thân thiết đến nỗi, mỗi khí có đứa này nghỉ ốm là đứa kia cũng chỉ muốn ở nhà chung vì sợ đi học 1 mình buồn, sợ không có ai chơi. Vào cấp 3, tuy học khác lớp nhưng chúng tôi vẫn chung một ngôi trường. Giờ ra chơi nào rảnh, là hai đứa lại chạy ra hành lang thủ thỉ với nhau. Khi lên đại học, cuối cùng chúng tôi cũng quyết định tách hẳn nhau ra. Tôi đi du học còn chị ở lại Việt Nam. Chị tôi tốt nghiệp bằng giỏi rồi ra đi làm cho 1 công ty tư nhân lớn. Chị làm được hơn 1 năm liền rồi quyết định nghỉ hẳn, gap-year vì không thấy đươc ý nghĩa trong công việc mình đang làm. Lúc chị nói ra ý định đó, tôi dù lo lắng nhưng vẫn không biết nói gì ngoài ủng hộ. Đến giờ, 2 chị em tôi lại cùng nhau hội ngộ trên đất Pháp, cùng được ăn sinh nhật chung và lại thủ thị tâm sự cùng nhau. Ở chị tôi học được cách không bỏ cuộc, nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu tương lai và cuộc sống.

Tôi – đứa con gái út. Là người mà theo chị sinh đôi của tôi nhận xét, là đi đường dài tốt. Lên cấp 2, tôi hứng thú với môn hóa, đi thi học sinh giỏi, đậu trường chuyên rồi ra nước ngoài, học đại học cũng liên quan đến Hóa. Đến bây giờ ra làm việc, tôi cùng không nghĩ là nó lại vẫn liên quan đến vậy. Khi chị tôi chỉ ra điểm đó, tôi mới chợt nhận ra là mình đã chạy được 1 đoạn đường dài như vậy. Thực lòng mà nói, khi mới ra trường, tôi còn không biết mình muốn gì, làm gì. May mắn đến với tôi và tôi đơn giản là nắm bắt cơ hội để hiểu thêm về ngành mà mình học. Tôi nghĩ đơn giản khi mới ra trường, ta khó lòng mà biết mình muốn gì thích gì, làm gì, và khi có cơ hội đến, hãy thử để hiểu trước khi từ chối nó.

Phụ nữ bây giờ đã có quyền lựa chọn hơn trước rất nhiều…

Ba đứa con gái chúng tôi được làm những việc mình yêu, trở thành những người mình muốn là nhờ ở 1 người phụ nữ quan trọng hơn cả – đó là mẹ.  Những năm cắp sách đến trường rồi bây giờ là khi đi làm, chúng tôi luôn có mẹ ở bên bầu bạn, sẻ chia. Mẹ tôi chính là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam thời xưa, chịu thương chịu khó, hy sinh cuộc đời của bản thân, làm tròn vai trò của người mẹ, người vợ để nâng đỡ chồng con.

Nếu như ở thời của mẹ, việc trở thành 1 người nội trợ và chăm sóc con cái, quán xuyến gia đình là điều hiển nhiên thì tới thời chị tôi thì việc phụ nữ đi làm rồi cùng chồng chăm lo tổ ấm lại không mấy gì làm lạ. Tới thời của tôi bây giờ, câu hỏi có lập gia đình hay sinh con không đối với phụ nữ đã ít nhiều bớt đi những phán xét chủ quan. Phụ nữ bây giờ đã có quyền lựa chọn hơn trước rất nhiều. Và dù lựa chọn đó có là gì, không ai có quyền phán xét nó ngoài bản thân người chọn nó cả.