Một mình có buồn không ?(hay vẫn cứ là vui)

hair, wind, girl-4672684.jpg

Tôi có chị sinh đôi. Từ khi còn bé, tôi ít khi ở một mình. Hồi còn mẫu giáo, mẹ đèo 2 đứa trên chiếc xe đạp duy nhất của nhà để đi học. Lên cấp 1 rồi cấp 2, chúng tôi tung tẩy dắt nhau đi bộ từ nhà đến trường. Bước sang cấp 3, trường ở xa hơn thì 2 đứa bon bon trên chiếc xe đưa rước. Bước ngoặt lớn nhất của chúng tôi có lẽ là lúc lên đại học, khi mỗi đứa mỗi lựa chọn theo đuổi ngành học khác nhau, đồng nghĩa với việc mỗi người ở một đất nước khác biệt.

Tôi bắt đầu quen với việc ở một mình hơn từ đó. Tự nấu tự ăn, tự dọn rửa, tự buồn thì khóc rồi quệt nước mắt đi. Tự biết chủ động ôn bài để đi thi cho tốt (minh chứng là tấm bằng tốt nghiệp kaka), tự biết kết bạn để chơi cùng.

Nhưng sự một mình nhất có lẽ là lúc này, khi đang lạch cạch gõ từng dòng của bài viết, tôi thấy mình một mình hơn tất thảy những lần làm việc trên. Một mình và vẫn vui 😊

Để đi được đến điều này, bạn và tôi đều biết là không hề dễ dàng gì..

Hành trình một mình mà không cô đơn – hành trình tìm hiểu bản thân

Năm 19 tuổi là lúc tôi đi du học, bước ra một thế giới mới, rộng lớn hơn, mới mẻ hơn. Không có bố mẹ quản lý hay đốc thúc, tôi  thấy mình tự do tự tại hơn bao giờ hết. Tốt nghiệp rồi đi làm, việc ở một mình lúc này lại khiến tôi thấy sợ nhiều hơn là thích thú. Tôi luôn cảm thấy có sự cô đơn lởn vởn quanh mình. Một phần có lẽ là vì khi lớn lên, vòng tròn bạn bè quanh tôi nhỏ lại, mọi người bắt đầu có cặp có đôi; còn tôi thì lại chia tay rồi độc thân trong một thời gian dài. Ấy là lúc đó tôi nghĩ vậy, nhưng sau 1 năm tự trải nghiệm, tôi nhận ra đó không hề là lý do thật sự.

Ngày mà tôi thực sự bắt đầu hành trình tận hưởng việc một mình là một ngày toàn số 2, cách đây cũng gần 1 năm. Thời tiết cuối tháng 2 nơi trời Âu lúc ấy vẫn rất lạnh giá, nhưng vì quá lười nấu ăn, tôi quyết định ghé quán crepe gần nhà để ăn thử. Thành thật mà nói, biết bao lần tôi muốn thử hàng ăn chỗ này, quán bánh chỗ nọ, ghé uống tiệm cà phê mới chỗ kia, nhưng chỉ vì không có ai đi cùng nên tôi luôn tặc lưỡi bỏ qua. Lần này, có điều gì đó cứ khắc khoải bảo tôi làm khác đi những lần trước, rằng việc đi ăn một mình chẳng có gì là kỳ lạ hay to tát cả. Đã quyết định đi ăn là phải ăn cho no, tôi gọi hẳn 2 suất crepe vừa ngọt vừa mặn cùng 1 tách cà phê tráng miệng. Mọi chuyện đều ổn, tôi được xếp cho chỗ ngồi ấm trong góc, đồ ăn ngon miệng và bụng tôi thì no căng. Ngay cả trong lúc ăn, tôi cũng không cảm thấy trống trải vì không có ai trò chuyện đối diện. Tôi chốc chốc lại lướt điện thoại, lúc lại nhẹ nhàng quan sát cách bài trí quán ăn và quang cảnh bên ngoài khung cửa sổ. Cho đến khi tính tiền, tôi được người phục vụ bảo sẽ trả giùm cho cốc cà phê. Ông ấy chỉ bảo, thấy tôi ăn một mình mà trông rất ngon lành và vui vẻ nên muốn trả giùm tôi, lý do có vậy thôi.

Cốc cà phê ấy chỉ khoảng 3 euros thôi, nhưng cũng đủ để sưởi ấm tâm hồn tôi hôm đông rét trời và khiến tôi nhận ra rằng: tôi hoàn toàn có thể tận hưởng việc làm nhiều thứ khác trong cuộc sống dù chỉ có một mình.

Sau ngày ấy, mỗi lần muốn thử gì mà rủ rê không ai đi cùng, tôi đều ngâm cứu thêm 1 lần nữa và nếu vẫn thích thì quyết định đi 1 mình. Tôi đi xem phim một mình, khám bệnh một mình, đi công viên rồi bảo tàng một mình, học nướng bánh một mình, đăng ký học vẽ một mình, tham gia hội nhóm du học sinh một mình, quẹt ứng dụng hẹn hò để gặp gỡ và (hy vọng) hết một mình. Sau mỗi việc mới tự làm, tự trải nghiệm, tôi quan sát cảm xúc của bản thân, việc nào thích thì tôi tiếp tục làm, còn việc nào thấy không phù hợp thì tạm ngưng rồi đợi lần sau có hứng thú thì thử lại. Sau tất cả, tôi thấy mình mạnh mẽ và một mình vẫn vui.

Mối quan hệ với bản thân là quan trọng nhất suốt đời người

Giờ đây khi nhìn lại cảm xúc thuở ban đầu, tôi chợt hiểu cái tôi cảm giác cô đơn lởn vởn quanh tôi lúc ấy không phải vì tôi ở một mình, mà nó là cảm xúc bế tắc khi không chia sẻ được những giá trị mà tôi cho là quan trọng nơi bản thân với những người xung quanh. Bạn hoàn toàn có thể có nhiều bạn bè vây quanh nhưng vẫn thấy cô đơn, nếu như bạn không cảm thấy được thấu hiểu, trân trọng, hỗ trợ bởi họ. Tương tự với đồng nghiệp chốn công sở. Nhiều bạn bè của tôi bảo rằng họ không hòa hợp được khi nói chuyện với đồng nghiệp nước ngoài, không phải chỉ bởi vấn đề ngôn ngữ, mà còn bởi chúng tôi không cùng văn hoá, cách tiếp cận câu chuyện hay cách nhìn nhận vấn đề. Dĩ nhiên, mỗi quan điểm đều đáng được lắng nghe và góp ý nhưng điều này chứng minh cho việc đồng nghiệp hiếm khi trở thành bạn thân được. Ngay cả khi được vây quanh bởi những người thân trong gia đình hay có bạn tâm giao, nhiều người vẫn có cảm giác cô đơn.

Tự trải nghiệm và chiêm nghiệm để xem điều gì là phù hợp với bản thân mình, điều gì là không, chính là bước đầu tiên để một mình mà vẫn vui. Bởi khi bạn hiểu mình cần gì, giá trị của bạn nằm ở đâu và giới hạn chừng nào, thì chính bạn sẽ tự thu hút đúng người về phía mình, đồng thời tạo nên rào chắn cần thiết cho bản thân trước những con người không cùng thế giới quan. Chỉ khi hiểu bản thân mình thông qua những trải nghiệm do chính mình tạo ra, bạn sẽ dần dần tích lũy sự tự tin để thể hiện phiên bản độc nhất của mình ra thế giới, từ đó dễ dàng kết nối với những người đồng điệu và tạo nên mối quan hệ sâu sắc mà bạn tìm kiếm.

Suy cho cùng, cả một đời người, mối quan hệ với chính bản thân mình mới là thứ bền vững nhất. Khi còn bé bạn thấy mình gần bên ba mẹ, được uốn nắn dạy bảo và yêu thương. Những năm đại học rồi đi làm thì bạn bè lại cần thiết hơn cả. Rồi khi bạn có người yêu, kết hôn và có con thì đó là những người mà bạn giành nhiều thời gian ở bên. Tới cuối đời, mối quan hệ có thể đi hay ở nhưng bạn vẫn luôn không cô đơn, vì bạn biết rõ : chính bản thân bạn đã là trọn vẹn.

Những dòng cuối của bài này, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến bản thân. Vì đã vững tin vào mình, vào những lúc tưởng chừng không thể yếu đuối hơn, tôi vẫn không bỏ mặc chính mình, hiểu rằng cảm xúc chỉ là nhất thời và rằng ngày mai tươi sáng sẽ tới.