Nhân ngày lễ Lao động viết về công việc

notebook, desk, paper-3820634.jpg

Vào buổi chiều nọ sau khi tan làm tối, tôi cùng đồng nghiệp rảo bước đi dạo để bắt chuyến tàu về nhà. Không nhớ lúc đấy cả hai đã nói gì, chỉ biết đồng nghiệp tôi thốt lên 1 câu: “Tao thích công việc của mình quá” và trong giây phút đó, tôi cũng lập tức buột miệng trả lời: “Ừa tao cũng vậy”. Ngẫm lại sau 1 lúc, tôi mỉm cười và thấy đúng thật: Tôi thích công việc của tôi quá 😊

Hồi còn bé, không nhớ đã bao lần tôi nói với mẹ, rằng sau này mình muốn trở thành một cô giáo. Có lần mẹ kể lại: trong lễ chọn đồ vật mừng em bé đầy năm, tôi đã chọn cho mình 1 chiếc bút. Điều đó càng khiến tôi tin chắc việc mình sẽ trở thành cô giáo đúng nghĩa. Lớn lên một chút, đến khi học cấp 2 thì tôi nhận ra rằng làm giáo viên không “màu hồng” như mình nghĩ và cứ thế tạm gác lại suy nghĩ công việc tương lai của mình là gì.

1 công việc tốt là công việc hội đủ: sở thích, kinh tế và phát triển

Thời gian trôi qua, thoắt cái tôi đã ra trường và đi làm. Ngẫm lại hành trình của mình, tôi thấy nghề chọn mình nhiều hơn là mình chọn nghề. Lắm khi ngồi bần thần tôi tự hỏi, một công việc tốt là như thế nào? Sau gần 2 năm vào đời, tôi tự rút ra cho mình: “ 1 công việc tốt là công việc hội đủ: sở thích, kinh tế và phát triển”.

Sở thích thì rất dễ hiểu, không ai là có thể làm một công việc lâu dài mà trái ngược với tính cách và sở thích của mình. Ví dụ làm kế toán, thì kế toán viên phải là người có tính cách tỉ mẩn, tập trung vào chi tiết, có tư duy tính toán hoặc ít nhất là thích môn toán ở tiểu học. Một cô bạn làm mảng “sale”- bán hàng ngoài yếu tố hướng ngoại, thích giao tiếp ra thì còn cần là người nhanh nhẹn và thích di chyển. Tất nhiên, có rất nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý, sắp xếp và lên kế hoạch bạn có thể học được trong và thêm bên ngoài công việc. Nhưng lý do mà bạn bắt đầu công việc của mình nên là thứ mình yêu thích hoặc ít nhất không ghét và trên nhất, đừng đi ngược với tính cách của bạn.

Thứ 2, thước đo kinh tế là cần thiết để duy trì cho bản thân sự thoải mái trong cuộc sống. Công việc mà bạn yêu thích nên là thứ kiếm ra tiền, nếu không đó đơn thuần chỉ là sở thích mà thôi. Giá trị của tiền bao nhiêu là đủ còn phụ thuộc vào mức độ chi tiêu và nhu cầu của từng người nên tôi không bàn tới ở đây. Việc bạn bỏ ra sức lao động và trí tuệ của mình cống hiến cho công việc đồng nghĩa với việc bạn cần có mức lương và đãi ngộ tương xứng.

Thứ 3 là sự phát triển: của bản thân và của công việc đem lại. Thử tưởng tượng công việc bạn chọn sẽ là thứ gắn bó với bạn 5 năm, thậm chí 10 năm hay đến lúc nghỉ hưu. Điều gì sẽ đưa bạn đi tiếp, đi mãi và cố gắng phấn đấu vì nó? Điều gì sẽ khiến bạn thức dậy mỗi ngày và làm việc mà không tự hỏi mình đang làm gì ? Chị Chi Nguyễn của “The present writer” đã đúc kết 1 câu mà tôi thấy thật sự tâm đắc. Đó là khi bạn nhìn thấy sự phát triển của bản thân trong công việc và cả giá trị mà công việc đó đem lại cho cộng đồng, cho xã hội. Đây là điều mà ít ai nhắc tới, nhưng đối với tôi, đó thực sự là con thoi thúc đẩy tôi đi tiếp, đi xa trong chặng đường sự nghiệp của bản thân. Nhớ có lần tôi phải ở lại công ty muộn để làm xong một báo cáo rồi gửi cho khách hàng. Băng qua con đường trơn trượt tuyết để về nhà, trời mùa đông tối sớm và lạnh lẽo nhưng tôi thì thấy vui lạ thường. Đơn giản bởi vì trong lúc làm gấp việc để bàn giao đúng hẹn, tôi thấy mình hiểu vấn đề và thao tác trơn tru hơn. Tôi thấy mình lớn hơn thông qua công việc. Mỗi một đầu việc được giao, mỗi một dự án làm xong, mỗi ngày, mỗi tháng trôi qua ở công ty đều có việc phải học, có điều mới để hiểu và có người mới để giao tiếp. Những điều nhìn nhỏ nhỏ vậy thôi cũng khiến cuộc sống thường nhật của tôi vui hơn mỗi ngày. Bởi vì cuộc sống là một chặng đường dài chạy marathon chứ không phải đường chạy nước rút.

Một ví dụ khác về công việc mang tính lặp lại nhưng vẫn có sự phát triển bản thân như thợ làm bánh. Mỗi ngày người thợ đều nhào bột, đánh trứng, nướng bánh… Sự phát triển ở đây chính là nhào bột chuẩn xác hơn, không nhão cũng không dai; đánh trứng mau và quyện hơn; nướng bánh chín và giòn xốp hơn. Ngay cả khi tất cả những công việc này đều có máy móc hỗ trợ thì thợ làm bánh vẫn có sự phát triển thông qua những công thức mà họ tự tạo ra, những kỹ thuật mới được học hỏi trau dồi để từ đó tinh chỉnh và trọn vẹn lên hương vị bánh mà họ muốn.

Vậy sự đóng góp cho cộng đồng và xã hội thì sao? Đối với tôi, đó là nhìn thấy sự phát triển của người khác thông qua công việc bản thân làm. Hai năm vào nghề, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi đi thực nghiệm nhà máy đầu tiên ở miền nam nước Pháp. Sau 1 tháng ăn ngủ nghỉ với nhà máy, công trình cũng đi vào hoạt động. Tự hào vì mình đã hoàn thành công việc 1 phần, thì khi nhìn thấy công nhân nhà máy làm tốt công việc họ được giao tôi hài lòng đến mười phần. Những công nhân từ ban đầu không hiểu quy trình đến bây giờ điều khiển và vận hành một cách thành thục máy móc là chuyện mà ngay cả họ đều không thể nghĩ tới. Nhưng với niềm tin, sự kiên nhẫn và chịu khó học hỏi, mọi việc đều có thể. Qua một tháng đó, tôi nghiệm ra rằng: hiểu công việc mình đang làm là 1 chuyện nhưng truyền đạt lại và giảng giải dễ hiểu cho người không chuyên lại là một chuyện khác. Nó giống như việc bản biết và hiểu được kỹ thuật chăm sóc cây và thật sự trồng được 1 cái cây cho nó lớn lên vậy. Cảm giác khi công sức và nỗ lực của bạn dồn vào cái cây được đền đáp, đó là khi bạn thật sự đặt mình vào vị trí của cây. Quay trở lại câu chuyện của thợ làm bánh. Sự đóng góp cho cộng đồng chính là những chiếc bánh thơm ngon mà họ làm ra. Họ không chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn của thực khách mà còn cả ăn ngon và đẹp mắt.

Nhiều người khi làm lâu trong 1 nghề nhất định đều ít nhiều kiêm luôn việc hỗ trợ thực tập sinh, nhân viên mới vào làm hoặc lên chức quản lý. Tôi nghĩ, suy cho cùng con người ai cũng muốn mình sinh ra có ích và trở nên quan trọng. Khi những giá trị trong công việc như kỹ năng, chuyên môn đã đạt được một độ chín mùi nhất định thì con người chính là giá trị luôn được đề cao tiếp theo. Để có thể tạo ra một thế hệ tương lai tiếp nối công việc, cần lắm những người chia sẻ nó…  

Còn bạn thì sao, “công việc tốt” với bạn nghĩa là gì?